1. GIỚI THIỆU

Cùng với sự phát triển rất nhanh của ngành chăn nuôi tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, tình hình dịch bệnh cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Mặt dù đã có sự hỗ trợ rất lớn từ các Công ty thuốc và vaccine nhưng do tình hình dịch bệnh tiến triển đa dạng và phức tạp, làm cho công tác chẩn đoán bệnh và giải quyết các vấn đề ngày càng khó khăn.

Không chỉ trên gia súc gia cầm, trên lĩnh vực thú cưng cũng rất cần các xét nghiệm bổ sung như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, da, mô học... để hổ cho các BSTY lâm sàng trong việc chẩn đoán bệnh chính xác, và từ đó kết quả điều trị cũng sẽ được cải thiện.

Nắm bắt được tình hình khó khăn đó, phòng xét nghiệm Bệnh Viện Thú y, trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM đã không ngừng phát triển và nâng cấp các phương pháp xét nghiệm và trang thiết bị để để góp phần cho việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

2. CÁC XÉT NGHIỆM ĐANG THỰC HIỆN TẠI BVTY

2.1. Phân lập vi khuẩn

Vi khuẩn gây ra rất nhiều bệnh nhiễm trùng trên động vật, làm cho năng suất chăn nuôi giảm sút nghiêm trọng hoặc có thể gây chết thú. Phân lập được loài vi khuẩn đang gây bệnh hoặc có nguy cơ gây bệnh là biện pháp tối ưu để giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả nhất.

Phân lập một số loại vi trùng thường gặp như:

-      E. coli

-      Salmonella

-      Streptococcus

-      Staphylococcus

-      Clostridium,

Ngoài ra còn có thể phân lập các mầm bệnh khác trên heo :

-      Actinobacillus pleuropneumoniae

-      Mycoplasma spp

-      Haemophilus parasuis

-      Bordetella bronchiseptica,  

2.2. Thử kháng sinh đồ

Bên cạnh việc phân lập được loài vi khuẩn gây bệnh, thử kháng sinh đồ trên loài vi khuẩn phân lập được là rất cần thiết để chọn được loại kháng sinh đang nhạy cảm với từng loài vi khuẩn ở từng trại, hoặc từng cá thể thú khác nhau. Việc thử kháng sinh đồ cần được thực hiện ngay sau quá trình phân lập. Theo ghi nhận thực tế tại BVTY trong một thời gian dài, tình hình đề kháng kháng sinh đã và đang gây trở ngại rất lớn cho việc điều trị tại các trại chăn nuôi khu vực phía Nam. BVTY khuyến cáo việc thường xuyên phân lập và thử kháng sinh đồ ở từng trại để giúp việc sử dụng kháng sinh hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ đề kháng do sử dụng không đúng loại kháng sinh trong thời gian dài hoặc tránh sự kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng một lúc làm cho tình trạng đề kháng ngày càng phức tạp hơn. BVTY luôn luôn cập nhật những loại kháng sinh đang hiện hành trên thị trường cho việc thử kháng sinh đồ, từ đó giúp cho việc lựa chọn kháng sinh dễ dàng hơn.

2.3. Kiểm tra tổng số lượng vi sinh vật (VSV)

Việc xác định tổng số VSV có trong nước uống, thức ăn, nền chuồng…là rất cần thiết để xác định mức độ ô nhiễm, thức ăn, nước uống và môi trường chăn nuôi. Dựa trên các chỉ tiêu này, người chăn nuôi có kế hoạch vệ sinh, sát trùng, cũng như ngăn ngừa khả năng gây bệnh của các VSV trong môi trường và trong thức ăn, nước uống. Các nhóm VSV có thể đếm được bao gồm:

- Tổng số vi khuẩn hiếu khí

- Tổng số Coliform

- Tổng số faecal Coliform

- Tổng số E.coli

- Tổng số Salmonella

- Tổng số Staphylococcus

- Tổng số Streptococcus

- Tổng số Clostridium perfringens

- Tổng số nấm men, nấm mốc

2.4. Xét nghiệm ký sinh trùng (KST)

Nhiễm KST và bệnh do KST gây ra ảnh hưởng rất lớn cho sức khỏe của người và vật nuôi. Bệnh nhóm này tất nhiên cũng gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi. Do đó, việc chẩn bệnh KST cũng cần đặc biệt chú ý. Theo kinh nghệm thực tế tại BVTY, số trường hợp kiểm tra KST rất hạn chế. Tuy nhiên, hầu hết các xét nghiệm thực hiện được đều cho thấy sự nhiễm KST rất nặng và các thể loại rất đa dạng. Các phương pháp được thực hiện như sau:

           -  Phương pháp xem tươi

-  Phương pháp phù nổi

-  Phương pháp lắng gạn

Ba phương pháp trên rất hữu hiệu để kiểm tra sự hiện diện của các loại ký sinh trùng như giun, sán dây, và cầu trùng ở các loài gia súc, gia cầm, cũng như trên thú cưng. Ngoài ra, bằng phương pháp xem tươi chúng có thể xác định ấu trùng giun tim trên chó, balantidium coli trên heo hoặc peptostreptococcus trên gà nhất là trong trường hợp thú bị nhiễm nặng các loại KST nêu trên.

 - Phương pháp nhuộm Giemsa: Phương pháp này có thể sử dụng để làm công thức bạch cầu hoặc chẩn đoán các bệnh KST máu như babesia spp, anaplasma spp, hoặc bệnh do rickettsia spp gây ra.

2.5. Nuôi cấy và định danh một số loài nấm

Nấm tham gia gây bệnh rất thường không được chú ý, đặc biệt là bệnh trên da. Do đó, nuôi cấy và phân lập nấm cần được lưu tâm trong trường hợp điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp sử dụng không đúng loại kháng sinh hoặc đề kháng kháng sinh.

Các loài nấm có thể phân lập được bao gồm:

- Candida spp

- Aspergillus spp

- Microsporum spp

- Trychophyton spp, ...

2.5. Xét nghiệm máu

- Xác định tổng số hồng cầu, bạch cầu và lập công thức bạch cầu

- Xét nghiệm một số chỉ tiêu sinh hóa máu và đánh giá chức năng gan thận: Xác định hàm lượng glucose, calcium, ALT, AST, creatinine, Blood Urea Nitrogen (BUN) trong máu của một số loài động vật

Xử lý huyết thanh để xét nghiệm 

2.6. Xác định hiệu giá kháng thể

Việc xác định hiệu giá kháng thể trong máu thú là cần thiết để đánh giá hiệu quả chủng ngừa vaccine một số bệnh thường gặp, cũng như xác định thời điểm chủng ngừa thích hợp. Ngoài ra, kết quả có thể giúp cho việc định hướng chẩn đoán việc nhiễm vi trùng virus từ thực địa. BVTY đang sử dụng những bộ kit ELISA từ các hãng có uy tín và máy đọc ELISA hiện đại, do đó kết quả thu được rất đáng tin cậy.

         - Trên gà: Xác định kháng thể kháng bệnh gumboro (IBD), bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IBV), Bệnh dịch tả gà (ND)…

           - Trên heo:

+ Xác định kháng thể kháng bệnh dịch tả heo cổ điển (CSFVAb, CSFVAg), bệnh heo tai xanh hay bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRSAb), Bệnh Aujesky (Aujesky-gE),

+ Kháng thể trung hòa trên tế bào đối với bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS).

2.7. Mổ khám tử

BVTY có thực hiện việc mổ khám thú bệnh (gà, vịt, heo, dê, cừu, thỏ,...) để xác định bệnh và ra toa thuốc chung cho toàn đàn. Thú bệnh có biểu hiện triệu chứng rõ cần được mang đến BVTY, tốt nhất là con vật vẫn còn sống hoặc chết không quá lâu tránh trường hợp bị phân hủy khó quan sát và lấy mẫu làm các xét nghiệm tiếp theo.

Mổ khám thú bệnh

2.8. Chẩn đoán mô học

Mẫu bệnh tích thu được từ việc mổ khám được cố định trong formol 4% và làm tiêu bản vi thể để nhuộm và xem các biến đổi mô học dưới kính hiển vi. BVTY có sự hổ trợ của Thầy Cô có chuyên môn sâu về bệnh lý, giúp cho việc chẩn đoán bằng tiêu bản vi thể gặp nhiều thuận lợi.

2.9. Chẩn đoán bằng phương pháp khuyếch đại gen (PCR)

BVTY còn thực hiện việc chẩn đoán một số bệnh do virus và vi trùng bằng việc phương pháp khuyếch đại gen đặc hiệu (PCR). Đây là phương pháp chẩn đoán cho độ chính xác rất cao. Chi tiết các bệnh chẩn đoán bằng phương pháp này được liệt kê trong một mục riêng trên trang web của BVTY.

 

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Phòng xét nghiệm, Bệnh viện Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Tp. HCM

Địa chỉ: KP6, Phường Linh Trung, Thủ Đức, Tp. HCM

ĐT và Fax: (+84-8) 38 967 596

Website: www.vethospital.hcmuaf.edu.vn

Email: vethospital@hcmuaf.edu.vn

Số lần xem trang: 2258
Điều chỉnh lần cuối: 22-11-2014

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : chín bảy năm một bảy

Xem trả lời của bạn !